'Nằm vùng' 9 món đặc sản cho chuyến du lịch Quy Nhơn quên lối về.
Mục lục nội dung bài viết
Bánh tráng nước dừa
Không chỉ là một món quà lý tưởng khi du lịch Quy Nhơn, bánh tráng nước dừa cũng được đa số người dân nơi đây ưa chuộng mua về thưởng thức trong gia đình. Bánh tương tự như chiếc bánh đa ở Hà Nội hay bánh tráng trong miền Nam, các bạn có thể mua sống mang về tặng, tới khi ăn người ta chỉ cần đem nướng lên để có mẻ bánh thơm ngon. Ngoài ra hiện tại các cửa hàng đặc sản Quy Nhơn có bán loại bánh nướng sẵn, các bạn mua ăn ngay cũng rất tiện. Bánh không cần nước chấm hay ăn kèm các món khác. Khi đưa vào miệng cảm nhận được ngay vị dừa thanh thanh ngọt dịu như tình đất tình người Quy Nhơn.
Nếu chọn món đặc sản Quy Nhơn mua về làm quà này, du khách tìm mua tại các chợ hải sản nổi tiếng như chợ Đầm, chợ Khu 2 hay các cửa hàng chuyên bán đặc sản Quy Nhơn.
Bánh hồng
Mặc dù là loại bánh đặc trưng của xứ dừa Tam Quan (tỉnh Bình Định) nhưng bánh hồng vẫn là món quà được yêu thích khi du lịch Quy Nhơn. Có tên gọi bánh hồng nhưng thực ra bánh màu trắng, trong có nhân dừa giòn sần sật rất ngon. Bánh này các bạn có thể mua tại các cửa hàng đặc sản ở Quy Nhơn, hạn sử dụng khoảng 5 - 7 ngày.
Bánh cốm nếp dẻo
Nhìn hình ảnh nhiều người sẽ ngỡ như là món ăn chơi ở Hà Nội song đây lại là một loại đặc sản Bình Định tại huyện An Nhơn. Bánh có vị gừng, loại ít nếp sẽ xốp còn nhiều nếp sẽ dẻo hơn, một cách thưởng thức chuẩn vị là nhâm nhi với tách trà. Bánh để được khá lâu, có thể tìm mua tại cửa hàng đặc sản Mận Khoa.
Tré
Nói tới các món đặc sản Quy Nhơn mua về làm quà thì không thể thiếu "tré". Mang hình dáng của những chiếc “cán chổi” nhỏ xíu, tré là một trong những “mồi” để nhậu phổ biến và được ưa chuộng nhất của người dân bản địa. Có 2 loại tré là tré bò hoặc tré heo nhưng tré heo có phần phổ biến hơn. Tré được làm từ thịt tai, thịt thủ, thịt ba chỉ của lợn thêm mè, riềng, ớt, lá ổi non và tỏi; khi ăn người ta bóc lớp vỏ bên ngoài rồi cuốn với bánh tráng cùng các loại rau sống, chấm mắm tạo nên món nhậu tuyệt hảo.
Món ăn cực kỳ tiện khi mua làm quà vì nó được gói gọn gàng, hợp khẩu vị được với cả 2 hai miền Nam Bắc lại bảo quản được tới khoảng 10 ngày. Một món quà chắc chắn sẽ làm hài lòng những người đàn ông trong nhà.
Mực rim tỏi ớt
Mực rim tỏi ớt có thể được tìm thấy ở hầu hết các quán hàng ven biển hoặc trong thành phố bởi đây cũng là món đặc sản Quy Nhơn mua về làm quà rất được yêu thích. Mực sau khi phơi khô được nướng sơ qua rồi tẩm các loại gia vị như mạch nha, ớt xào, tỏi… Mực rim tỏi ớt có vị ngọt, chua, cay sẽ là món nhâm nhi thích hợp khi du lịch về tụ tập bạn bè.
Rong biển khô
Nếu bạn nghĩ rong biển khô chỉ là món quà khi du lịch Hàn Quốc thì bạn đã nhầm, bởi du lịch Quy Nhơn rong biển khô cũng rất phổ biến, không những thế còn ngon chẳng thua gì đặc sản xứ sở kim chi. Người ta thường thích mua rong biển về làm quà cho người thân bởi đây là một món ăn rất bổ dưỡng khi nó có hàm lượng sinh tố A cao gấp 2-3 lần so với cà rốt, hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với sữa bò, vitamin B2 cao gấp 4 lần trong trứng. Bạn có thể dễ dàng tìm được rong biển khô ở các khu chợ Quy Nhơn.
Bánh ít lá gai
Chiếc bánh đơn sơ, mộc mạc được sử dụng trong những ngày giỗ, ngày lễ như cưới hỏi, thể hiện sự đảm đang khéo léo của người phụ nữ Bình Định. Bánh có 2 loại là bánh có màu lá gai và bánh màu trắng, được làm từ bột nếp với lá gai và đường cát, nhân bánh làm bằng đậu xanh hoặc dừa nạo rất thơm ngon. Bánh ít lá gai ngon vừa dẻo, thơm; ăn vào có vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị bùi của đậu xanh, hương cay nồng của gừng. Nếu chọn món đặc sản Quy Nhơn mua về làm quà này, lưu ý rằng chỉ có thể để bánh bên ngoài tầm 3,4 ngày.
Bạn có thể mua bánh ít lá gai tại các tiệm đặc sản, tham khảo tiệm Vân Ý nằm tại khu chợ Quang Trấn, Quy Nhơn khá là uy tín.
Rượu Bàu Đá
Rượu Bàu Đá là thứ đồ uống truyền thống của đất võ Bình Định, uống vào tốt cho sức khỏe; dù mang về tặng anh, tặng bố hay sếp cũng rất hợp lý. Nguyên liệu nấu rượu quyết định chất lượng, gạo lứt và nước tại một làng của tỉnh Bình Định là bí quyết riêng. Rượu được bảo quản trong những chiếc bình sứ tinh xảo, thứ thức uống có nồng độ cồn lên tới 50 độ nhưng chẳng ngờ uống vào lại có vị thanh mát, rượu chảy vào người tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu.
Làng Cù Lâm (hay còn gọi là làng nghề rượu Bàu Đá), huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định là làng nấu rượu thủ công từ bao đời nay nên vẫn còn giữ được nét đặc trưng nhất của rượu. Rượu Bàu Đá chuẩn các bạn có thể tới tận làng nghề hoặc các cửa hàng đặc sản trong tỉnh đều có thức uống này.