Kinh nghiệm du lịch Yên Tử từ A đến Z cập nhật mới nhất
Mục lục nội dung bài viết
Giới thiệu chung về Yên Tử
Yên Tử là một quần thể di tích, danh thắng và những kiến trúc chùa tháp quy mô. Nơi đây có ý nghĩa quan trọng đối với nền Phật giáo của nước ta, gắn liền với sự ra đời, hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm thuần Việt. Đặc biệt, trên ngọn núi Yên Tử năm xưa Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từ bỏ đi ngai vàng của mình, ông đến đây đi tu và sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Hàng năm, lượng khách đi Yên Tử vô cùng lớn, đặc biệt là vào mùa lễ hội chính. Đến đây không chỉ được ngắm nhìn những công trình kiến trúc đậm chất mỹ thuật và sáng tạo có từ lâu đời. Mà bạn còn được vãn cảnh, thưởng ngoạn núi non xung quanh rất nên thơ. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai cũng ao ước được đặt chân đến đỉnh non thiêng ở chốn đây một lần trong đời.
Nên đi du lịch Yên Tử vào thời gian nào?
Cảnh sắc Yên Tử cuốn hút quanh năm nên bạn có thể đến bất cứ thời gian nào mà mình rảnh rỗi. Chỉ cần chú ý tránh đi vào thời điểm mùa mưa bão hay quá lạnh giá để bảo vệ sức khỏe và hành trình tham quan được trọn vẹn. Ngoài ra, một số thời điểm thường được mọi người chọn đến như:
- Ngày khai hội Yên Tử 10/1 Âm lịch, không khí nhộn nhịp với nhiều hoạt động sôi nổi, tham gia trò chơi dân gian, xem nhạc hội,... Tuy nhiên, do lượng du khách đổ về rất đông chen lấn, xô đẩy và các dịch vụ cũng đắt đỏ hơn nên cân nhắc trước khi đi.
- Ngoài ngày khai hội, tháng 3 cũng rất thích hợp. Một mặt vẫn còn trong mùa lễ hội, mặt khác thời tiết lúc này tạnh ráo, mát mẻ. Lượng du khách đến Yên Tử thưa thớt hơn nên không phải chen lấn hay xếp hàng, chi phí dịch vụ cao.
Hướng dẫn đi tới Yên Tử
1. Đi đến Yên Tử
Đi bằng xe khách: bắt các tuyến xe khách như: Kumho Việt Thanh, Ka Long hay Đức Phúc,… đi từ bến xe Mỹ Đình hay Gia Lâm đi Quảng Ninh. Các tuyến xe chạy Móng Cái, Hạ Long chạy liên tục với giá vé khoảng 90k/vé và xuống ở Quốc lộ 18. Còn xuống tại Uông Bí sẽ dừng ngay ở lối vào Yên Tử. Từ đó, bạn bắt tiếp 1 chặng taxi, xe ôm hoặc đi xe bus của Ban Quản lý đến chân núi Yên Tử.
Bằng phương tiện cá nhân: đi bằng phương tiện ô tô hay xe máy cá nhân, xuất phát từ Hà Nội chạy theo hướng về cầu Chương Dương đến Nguyễn Văn Cừ hướng theo Quốc lộ 18. Tiếp tục đi về thành phố Bắc Ninh đến chùa Trình thì rẽ trái sẽ là hướng vào Yên Tử.
2. Đi lên đỉnh núi
Để khám phá hết khu du lịch Yên Tử từ dưới chân núi muốn lên trên bạn có thể đi bằng 2 cách:
- Leo bộ: quãng đường dài 6km, bạn phải đi qua những bậc đá được xếp lớp lên nhau khá dốc. Băng qua những tán rừng trúc và rừng thông xanh mát để lên đến đỉnh. Lưu ý nên mang đồ ăn nhẹ và nước uống theo dọc đường, người bị bệnh tim hay sức khỏe yếu thì không nên leo.
- Đi bằng cáp treo: quãng đường ngắn hơn với chỉ 1,2km với 2 chặng. Bạn có thể mua vé khứ hồi cho cả 2 chiều hay đi bộ và mua vé 1 chiều lên hoặc xuống để tiết kiệm sức lực.
Giá vé cáp treo Yên Tử:
Tuyến cáp treo Yên Tử
- Tuyến 1: Giải Oan - Hoa Yên: 120.000đ/chiều/vé – 200.000đ/khứ hồi/vé
- Tuyến 2: Một Mái - An Kỳ Sinh: 120.000đ/chiều/vé – 200.000đ/ khứ hồi/vé
Tuyến cáp treo lên Ngọa Vân
- Một chiều: 100.000đ/vé
- Khứ hồi: 180.000đ/vé
Lưu ý, các đối tượng được miễn phí vé bao gồm: trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ dưới 1m2, tăng ni, người già trên 70 tuổi và thương binh.
Gợi ý nơi nghỉ khi đến Yên Tử
Nếu lựa chọn du lịch Yên Tử 2 ngày 1 đêm, bạn nên đến trước và ngủ qua đêm tại thành phố Uông Bí. Sáng dậy bắt đầu hành trình khám phá Yên Tử, những nhà nghỉ tại Thượng Yên Công rất gần với khu vực này nên bạn có thể chọn các khách sạn ở đây. Ngoài ra, còn có một khách sạn khác cũng đẹp và nổi tiếng như:
Legacy Yên Tử Mgallery
- Địa chỉ: Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh
- Giá phòng: Từ 2,800,000đ/đêm.
Sky Hotel
- Địa chỉ: 394 Quang Trung, Yên Tử
- Giá phòng: Từ 500,000đ/đêm
Thu Hà Hotel
- Địa chỉ: 6 Trần Hưng Đạo, Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh
- Giá phòng: Từ 300,000đ/đêm
Luffy Hotel
- Địa chỉ: 26 Trần Hưng Đạo, Thanh Sơn, Bí Giàng
- Giá phòng: Từ 500,000đ/đêm.
Lodge làng hành hương Yên Tử
- Địa chỉ: Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh
- Giá phòng: Từ 1,000,000đ/đêm
Địa điểm du lịch Yên Tử nổi bật
1. Địa điểm du lịch Đông Yên Tử
- Chùa Trình: hay còn gọi là chùa Bí Thượng, điểm đến đầu tiên của hành trình khám phá Yên Tử. Chùa được bắt đầu xây dựng từ thời Hậu Lê, nằm trên sườn đồi ở làng Bí Thượng, khuôn viên hình chữ “Nhất”, quay về hướng Tây Nam.
- Chùa Suối Tắm: nằm bên sườn dốc của cửa Ngăn trên dãy núi Kim Cương, tựa đầu vào núi Linh Quy và nằm cách chùa Trình 5km.
- Chùa Cầm Thực: được xây dựng vào thời nhà Trần, chùa đặt trên một ngọn đồi hình quả mâm xôi. Bao gồm 6 gian, hình chữ “Nhất”, mang dáng vẻ cổ kính và linh thiêng.
- Chùa Lân - Thiền viện Trúc lâm Yên Tử: ngôi chùa này nằm ở đốc đổ đoạn đi vào Yên Tử. Địa điểm du lịch Yên Tử này trước đây 3 vị sư tổ của Thiền Viện Trúc Lâm thường đến thuyết pháp và giảng dạy kinh Phật.
- Chùa Giải Oan: xây dựng từ thời Pháp loa và ngày nay đã được trùng tu khang trang. Bên trái của chùa có nhà thờ Tổ thờ: Tam tổ Trúc Lâm, tổ chùa và Đức Bồ Đề Đạt Ma. Ngoài ra, còn có điện thờ Thân mẫu và Quốc trượng của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
- Đường Tùng: đi chùa Yên Tử bạn sẽ được qua con đường tùng dài trăm mét với 2 bên là những hàng cây cổ thụ. Rễ của chúng đan xen thành lối bậc thang dẫn du khách đi lên chùa. Đây là con đường di sản, biểu hiện cho giá trị cốt lõi của Thiền phái Trúc Lâm là sự sống và hòa hợp với thiên nhiên.
- Vườn tháp Huệ Quang: khu vườn tháp lưu giữ ngọc cốt của những vị sư từng tu thiền trên đỉnh Yên Tử. Bao gồm 97 ngôi mộ được phân thành những độ cao thấp với hình dáng, kích thước khác nhau.
- Chùa Hoa Yên: đây được biết đến là trung tâm của khu vực Yên Tử. Chùa xây dựng theo kiến trúc hình chữ “Nhất” với 5 gian và 2 trái. Bao gồm: gác chuông, lầu trống, nhà tăng ni,… Các thế hệ Tổ thiền Trúc Lâm trước kia thường lui tới đây để tu thiền, thành đạo.
- Chùa Một Mái: ngôi chùa mộc mạc, nằm ẩn trong núi mà bạn được tham quan trong hành trình du lịch Yên Tử. Chùa có cái độc đáo là chỉ có phần mái lộ ra ngoài, không gian đặc biệt yên tĩnh và thanh bình. Bên trong cũng lưu giữ nhiều quyển sách và kinh quý hiếm.
- Chùa Vân Tiêu: tên gọi của chùa bắt nguồn do nơi đây lúc ẩn lúc hiện dưới những tầng mây. Trước cửa chùa có cụm tháp được gọi là Vườn tháp Vọng Tiên Cung cùng 2 bên là 2 cây tùng tươi tốt.
- Thác Vàng: ngọn thác này chảy từ dãy núi Bạch Hổ xuôi về khu vực phía Nam. Thác ôm trọn thung lũng Giải Oan đến Minh đường, nơi tụ thủy lưu giữ những linh khí thiêng liêng.
- Tượng An Kỳ Sinh: đây chỉ là một tảng đá tự nhiên nhưng có hình thù giống như đạo sĩ đang chắp tay thành kính quay về Tây phương. Tượng bận áo dài thướt tha cao hơn 2,2m được nhân dân tạc tôn thờ đạo sĩ có công ban phát chữa bệnh cứu người trong vùng.
- Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông: bức tượng được đúc bằng đồng nguyên chất trong tư thế ngồi thiền tọa trên đài sen. Tổng chiều cao là 9,9m, nặng 138 tấn và đặt trong khuôn viên rộng đến 2.200 m2. Cao hơn 1.000m so với mực nước biển.
- Bia Phật và cổng Trời: phía trước cổng Trời là tấm bia Phật cao hơn 5m, rộng 2m. Mặt trước bia tựa như hình một chiếc oản cúng Phật.
- Chùa Đồng: chùa Đồng Yên Tử tọa lạc trên đỉnh núi ở độ cao 1.068m so với mực nước biển, giữa không gian bao la và hùng vĩ của mây vờn. Chùa làm bằng đồng nguyên khối với kiến trúc đặc biệt ấn tượng, bên trong cũng có nhiều tượng Phật làm bằng đồng độc đáo.
2. Địa điểm du lịch Tây Yên Tử
- Chùa Vĩnh Nghiêm: chùa là nơi cất giữ những cổ vật và di vật quý báu như: tượng thờ, đồ thờ, bia, hoa văn tinh tế và đặc biệt là kho Mộc bản hơn 3.000 bản đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu quý hiếm của Thế giới.
- Chùa Am Vãi: một thắng cảnh đẹp bao quanh bởi núi rừng được xây dựng từ thời Lý. Trong giai đoạn mà đạo Phật thịnh hành thời Trần đây cũng là một trong những địa điểm quan trọng của quần thể chùa tháp Yên Tử.
- Suối Mỡ: khi đi du lịch Yên Tử dọc theo từ Đá Vách chảy theo suối Huyền Đinh ở trên núi Yên Tử bạn sẽ thấy ngọn suối này. Suối chảy xuống tạo nên ngọn thác và những bồn tắm thiên nhiên mang hình thù ấn tượng. Dọc theo đó bạn sẽ thấy 3 ngôi đền: Thượng, Trung và Hạ thờ Thượng ngàn Thánh Mẫu. Xung quanh cũng có khá nhiều di tích lịch sử khác để tham quan.
- Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử: nằm ở khu vực sườn Tây của núi Yên Tử, phần lớn của khu bảo tồn là rừng tự nhiên trải dài từ Bắc Giang qua khu vực Quảng Ninh.
- Đền An Sinh: đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 14, một địa điểm tâm linh quan trọng. Nơi thờ 5 vị hoàng đế của nhà Trần là: Trần Anh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Minh Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Giản Tông. Khuôn viên rộng đến 80.000m2 với vườn nhãn xanh tươi tốt.
- Khu di tích Đá Chồng: nơi đây nằm bên sườn Đông Nam của đèo Voi với 2 khu vực. Trong đó khu 1 có quần thể các chùa tháp, sân vườn và hồ nước đẹp.
- Chùa Hồ Thiên: tọa lạc nơi cao 500m giữa khu rừng núi hoang vu, chùa được xây dựng từ thời nhà Trần. Trước đây chư tiên quần tụ, Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông cũng từng đăng đàn để thuyết pháp về Phật giáo ở đây.
- Am Ngọa Vân: đây được biết đến là thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm cũng như Phật giáo Việt Nam nói chung, có bảo tháp lưu giữ xá lỵ của Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi ngài viên tịch.
Du lịch Yên Tử ăn gì ở đâu?
- Măng trúc tươi Yên Tử
- Măng trúc tươi của Yên Tử có hình dáng thon dài, ăn vào giòn giòn nhưng không đắng mà vị ngọt đặc trưng. Măng có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng như: xào, nhồi thịt hay chỉ đơn giản là luộc chấm với muối vừng để cảm nhận độ tươi của từng thớ măng.
- Rượu mơ Yên Tử
- Đây là loại rượu đặc sản của Yên Tử được khách du lịch yêu thích với công dụng tốt cho sức khỏe. Rượu mơ chỉ ngâm từ rượu gạo với mơ tươi, vị rất dễ uống.
- Chè lam Yên Tử
- Chè lam ở đây là sự kết hợp của bột nếp dẻo dẻo với mật ngọt thanh, vị cay của gừng và lạc bùi bùi. Khách đi du lịch Yên Tử được thưởng thức quanh năm, nhưng ấn tượng nhất là vào mùa xuân se lạnh, cắn miếng chè lam và nhấp ngụm trà sẽ giúp làm ấm bụng trên đường đi tham quan.
- Rau dớn Yên Tử
- Rau dớn có vị nhớt đặc trưng nhưng ăn vào lại rất thanh mát. Rau dớn ở Yên Tử có quanh năm, nhưng ngon nhất là vào mùa mưa. Khi đó rau xanh mỡ màng, không cần chế biến cầu kỳ, chỉ cần xào tỏi hoặc luộc lên ăn cũng rất ngon. Nhà hàng Thái Huyền ở Thượng Yên Công được nhiều du khách tìm đến.
- Canh gà rượu bâu
- Một số các món ăn bạn nhất định phải thử khi đi Yên Tử là Canh gà rượu Bâu - món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Dao ở dưới chân núi Yên Tử. Món canh được nấu từ gà Hoành Bồ cùng với rượu bâu săn chắc, ngọt thơm. Khi ăn vào sẽ cảm thấy vị thanh và mát, rất khó tả.
- Nem chua Quảng Yên
- Không quá nổi tiếng nhưng nem chua ở Quảng Yên cũng được du khách yêu thích. Những chiếc nem tròn, hồng tươi của thịt lợn, bì thái mỏng quyện với thính và lá sung là món ăn chơi hay nhậu rất ngon, bạn có thể đến nem Huy Tùng Quảng Yên để thưởng thức.
Một số lưu ý khi du lịch Yên Tử
- Đối với trang phục đi chùa: nên ăn mặc lịch sự và kín đáo, tùy theo từng mùa mà chọn cho phù hợp. Đi mùa nóng có thể mang thêm áo để thay vì leo núi ra mồ hôi, còn mùa lạnh thì mang đầy đủ áo khoác giữ ấm. Giầy dép cũng mang loại mềm và thấp để tiện leo núi.
- Kinh nghiệm du lịch Yên Tử, nếu chọn đi bộ thì chiều đi chủ yếu leo núi, chiều về sẽ ngắm cảnh chùa sau sẽ có nhiều thời gian thong thả hơn.
- Dọc đường có nhiều quán bán đồ lưu niệm hay các loại thuốc dân tộc,… bạn không nên mua linh tinh tránh mua phải hàng giả hay chèn ép giá cao.
- Bảo quản đồ dùng cá nhân và tư trang để tránh bị móc túi, nhất là đoạn trên chùa Đồng hay đứng xếp hàng mua vé đông người.
- Không vứt rác bừa bãi, nên bỏ vào đúng nơi quy định trên đường đi hoặc cất đi sau đi xuống thì vứt.
- Leo lên núi nên chia các đoạn ra để nghỉ, uống nước rồi đi tiếp chứ không nên leo một mạch lên sẽ rất mệt. Đoạn cuối lên chùa Đồng không có bậc nên nếu đi vào ngày trời mưa mù cẩn thận bị trơn trượt.
- Không giẫm lên gốc cây tùng cổ thụ trên đường khám phá Yên Tử.
- Sắm lễ nên mua ở nhà hoặc đường đi chứ lên chùa sẽ đắt hơn mà đôi lúc còn không được đẹp như ý.
Du lịch Yên Tử vào bất cứ thời gian nào bạn cũng được tận hưởng những nét độc đáo, vẻ dung dị của những công trình kiến trúc cổ hòa quyện với mây trời. Về đất linh thiêng, để cảm nhận không khí thanh tĩnh và tìm chút bình an cho tâm hồn mình.