Kinh nghiệm du lịch chùa Hương: cách đi, giá vé và địa điểm tham quan
Mục lục nội dung bài viết
Một số thông tin về chùa Hương
Chùa Hương được biết đến là một trong những địa điểm du lịch tâm linh vô cùng nổi tiếng của miền Bắc và cả Việt Nam. Chùa nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội và cách trung tâm thành phố khoảng 50km. Nơi đây bao gồm cả một quần thể những danh thắng đẹp tựa như tranh, các ngôi chùa chiền, hang động trải dài từ khu vực chân núi lên tận đỉnh núi Hương Tích rộng lớn.
Hàng năm, du khách về đây không chỉ viếng Phật, cầu mong bình an, may mắn mà còn để được hòa mình vào không khí mát mẻ, thanh tịnh của đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích,.... Trải nghiệm ngồi thuyền dọc dòng suối Yến thơ mộng và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình sông núi, nước non hòa quyện với nhau muôn phần đẹp ngỡ ngàng.
Đi chùa Hương từ bao đời nay không chỉ là một nét đẹp văn hóa đẹp của người Hà Nội, mà người đi chùa còn mang bao niềm háo thức được đắm chìm vào những cảnh sắc rực rỡ của quần thể nơi đây. Những ông bà cùng nhau vượt núi lên chùa, đôi nam thanh nữ tú hò hẹn về trẩy hội, xem hát quan họ, chụp ảnh cùng nhau hay cả những em bé theo chân bố mẹ đến cửa Phật cầu bình an, mỗi một người đều có niềm vui riêng.
Du lịch Chùa Hương nên đi thời gian nào?
Với chùa Hương, bạn có thể đến bất cứ thời điểm nào trong năm như: cuối tuần, nghỉ lễ hay Tết,… Để dã ngoại cùng thiên nhiên, tận hưởng không khí thanh tĩnh bình an trong tâm hồn. Đặc biệt, cũng có một số dịp mà khách đổ về đông đúc hơn như:
- Từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch: mỗi độ xuân về du khách thập phương, các Phật tử lại đổ về đây để dự lễ khai hội chùa Hương. Tìm hiểu những điều đặc sắc và thú vị của văn hóa tâm linh ở quần thể nơi đây.
- Đầu mùa hạ hoa lựu nở khắp mọi nơi hay mùa thu cũng là thời điểm đi lý tưởng. Khung cảnh thanh bình, lượng khách ít nên bạn có thời gian thong thả vãn cảnh chùa và tham quan được nhiều nơi hơn.
- Tháng 10 và tháng 11: lúc này dọc 2 bên dòng suối Yến hoa súng thi nhau nở. Từng cánh hoa hồng phớt tô điểm thêm cho vẻ bình lặng vốn có của nơi đây, làm cho không gian như sáng bừng lên. Hành trình tham quan hay ngồi trên thuyền của bạn cũng trở nên thơ mộng hơn, tha hồ chụp những bức ảnh đẹp.
Chuẩn bị gì khi đi chùa Hương?
Du lịch chùa Hương, để đề phòng thời tiết thay đổi và chủ động hơn trong chuyến đi bạn nên chuẩn bị một số đồ dùng mang theo như:
- Ô, mũ vừa che vừa nắng che mưa thuận tiện.
- Dép sandal hoặc giầy thể thao đế thấp để tiện cho việc di chuyển lên bến, xuống thuyền và leo núi.
- Mang theo đồ ăn dọc đường, nước uống.
- Mang theo đồ lễ: hương, hoa, cau trầu, tiền vàng,…
Chọn phương tiện đi đến chùa Hương
1. Đi đến bằng xe máy:
Từ trung tâm thành phố đi theo hướng về đường Nguyễn Trãi - Hà Đông khi nào đến ngã 3 Ba La thì rẽ vào đi theo hướng về Vân Đình. Chạy thêm khoảng 40km nữa là đến khu vực Tế Tiêu, bạn rẽ trái và đi theo chỉ dẫn về chùa Hương.
Đi theo hướng Quốc lộ 1A cũ về Thanh Trì - chùa Hương.
2. Đi đến bằng ô tô
Đi du lịch chùa Hương bằng ô tô, bạn có thể chọn di chuyển theo hướng của xe máy hoặc muốn nhanh hơn thì chạy ra lối cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Khi nào tới Đồng Văn thì rẽ phải để vào Quốc lộ 38, từ đây đi thêm 15 km nữa là đến được chùa Hương.
3. Đi đến bằng xe bus:
- Tuyến bus 211: Bến xe Mỹ Đình - Tế Tiêu (thị trấn Đại Nghĩa).
- Tuyến bus 75: Bến xe Yên Nghĩa - Tế Tiêu.
- Tuyến bus 78: Tế Tiêu - Bến xe Mỹ Đình và ngược lại.
Giá vé Chùa Hương chi tiết
- Giá vé tham quan chùa Hương: 130.000đ/khách
- Vé thắng cảnh: 80.000đ/khách
- Vé đò thuyền: 50.000đ/khách
- Giá vé cáp treo:
- Người lớn: 180.000đ/vé khứ hồi, 120.000đ/vé một chiều
- Trẻ em cao dưới 1,2m: 120.000đ/vé khứ hồi, 90.000đ/vé một chiều
- Kinh nghiệm du lịch chùa Hương, khách đến lễ Phật và tham quan vào những ngày như: ngày di sản (23/11), ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết âm hay ngày lễ Phật đản (15/4). Cùng với đó là trẻ em cao dưới 1,1m, trẻ em dưới 10 tuổi, thương binh hạng nặng cũng sẽ được miễn phí vé hoàn toàn.
Các điểm tham quan nổi bật ở chùa Hương
Là một quần thể tập hợp nhiều di tích lịch sử cổ kính, thắng cảnh đẹp mĩ miều. Tham quan chùa Hương sẽ có nhiều điểm đến mà bạn cần phải khám phá. Điển hình trong số đó là những nơi quan trọng như:
1. Đền Trình
Di tích lịch sử và văn hóa, một địa điểm quan trọng hàng đầu tại Hương Sơn mà khách du lịch đến đều phải ghé vào thắp hương đầu tiên trước khi tham quan những khu vực khác. Ngôi đền này nằm ngay dưới chân núi Ngũ Nhạc, mang trong mình dáng vẻ uy nghiêm và trầm mặc đầy cổ kính. Đền Trình thờ Sơn Thần, một vị thần tướng đã có công giúp vua Hùng Vương 16 đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Hàng năm, cứ đến mùng 6 tháng Giêng ngôi đền này lại tổ chức khai mở lễ long trọng, thu hút một lượng lớn khách du lịch đổ về. Đây cũng được chọn làm ngày khai lễ cho chùa Hương. Người dân đã quen đến ngày đó hàng năm về cúng bái, cầu xin thần rừng cho những điều may mắn và làm ăn tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió.
2. Chùa Thiên Trù
Chùa Thiên Trù hay còn được gọi là chùa Ngoài, nơi đây được xây dựng trên mảnh đất hình chữ nhật trải dài và cao dần lên phía trên cho đến khu vực sát núi. Chùa có kiến trúc “ngũ cấp tam môn” khá độc đáo, đậm dấu ấn thời kỳ nhà Lê và Nguyễn. Tên gọi của chùa do vua Lê Thánh Tông đặt với ngụ ý như bếp Trời, xuất phát từ một lần ông và quân lính đi hành quân qua đây đã chọn địa điểm này dừng chân và nấu ăn.
Đi tour du lịch chùa Hương, mọi người cũng hay lựa chọn nơi này làm chốn nghỉ ngơi vì chùa có đầy đủ các khu vực như: Tam bảo, Tiền đường, nhà khách, nhà thờ Mẫu,… với lối bố trí hài hòa. Chỉ cần bước chân đến cổng là bạn đã có thể cảm nhận được sự thanh tịnh và bình yên. Bước chân qua từng ngưỡng cửa, vãn cảnh và viếng Phật giúp tìm lại sự an yên trong tâm hồn.
3. Động Hương Tích
Đây cũng là điểm đến quan trọng không kém tại chùa Hương, động nằm ở độ cao 390 mét, cách chùa Thiên Trù 2km. Đứng từ cửa động bạn sẽ thấy nó như miệng của con rồng hung dữ, con núi đụn gạo bên dưới tượng trưng cho chiếc lưỡi khổng lồ. Động còn được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhất động” mang đến những dấu ấn tâm linh độc đáo.
Để lên được đến đây bạn phải leo qua những bậc thang và con đường gập ghềnh uốn lượn. Trong động có nhiều bức tượng Phật được cúng tiến gắn với các câu chuyện khác nhau. Du lịch chùa Hương, cứ đến ngày khai hội, nơi đây lại chật kín người đổ về. Cùng nhau xem cử hành làm lễ và lấy tay hứng những giọt nước để cầu may mắn trong hang động.
4. Chùa Giải Oan
Chùa nằm cách động Hương Tích khoảng 1,2km, bên trong có suối giải oan được gọi là suối Thiên Nhiên. Chùa được xây dựng vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 19, ban đầu làm hoàn toàn bằng gỗ lim mộc mạc, nhưng đến năm 1927 lại được xây dựng lại bằng xi măng và cốt thép vững chắc hơn. Kiến trúc chữ Đinh bao gồm: Tiền đường, Chánh cung điện Mẫu và nhà thờ tổ uy nghiêm.
Chùa Giải Oan gắn liền với câu chuyện Bà Chúa Ba sau khi được thần núi cứu về đã đến suối ở đây gột rửa bụi trần. Rồi sau đó bà vào tu thiền ở động Hương Tích theo lời của Phật Tổ Như Lai. Do vậy mọi người du lịch theo tour chùa Hương cũng thường hay đến nơi này múc nước trong giếng rửa tay và mặt mong giải được những oan trái của mình.
5. Chùa động Tiên Sơn
Từ chùa Thiên Trù đến đây chỉ 200m, đi ngược lên núi Thanh Long bạn sẽ nhìn thấy cổng Tam quan nằm ghé bên sườn núi. Tiếp tục đi qua cổng chùa động hiện ra ngay trước mắt với dáng vẻ tráng lệ tựa như một tòa lâu đài khiến ai cũng ấn tượng. Chùa có chánh điện tựa lưng vào núi, khoảng sân rộng thoáng mát, đứng từ đây ngắm cảnh núi non bao la ngay trước mắt.
Ăn gì khi đi Chùa Hương?
Du lịch chùa Hương có rất nhiều nhà hàng quán ăn để bạn ghé vào nghỉ ngơi và thưởng thức. Mỗi quán sẽ có những món ăn khác nhau, thực đơn đa dạng tùy chọn như: cơm bình dân, phở, bánh cuốn, bún chả,.... Các món ăn chơi: hạt dẻ nướng, khoai lang luộc, trứng nướng, chè củ mài đặc sản thanh mát,…
Ngoài ra, các hàng bán nước mía, nước sấu và nước ngọt cũng rất nhiều. Lưu ý: bạn nên lưu ý là nhớ hỏi giá trước trước khi ăn để tránh bị chặt chém, nhất là mùa lễ hội đông đúc. Bên cạnh đó, cũng để ý không gian quán có sạch sẽ hay không trước khi vào nhé.
Đi chùa Hương mua gì làm quà?
Đến tham quan vãn cảnh, viếng Phật bạn cũng đừng quên mua các loại đặc sản chùa Hương mang về làm quà cho người thân và bạn bè. Những món sau đây bạn có thể lựa chọn như:
- Chè lam: món ăn dân dã nhưng vô cùng nổi tiếng, được làm hoàn toàn từ bột gạo và đường. Miếng chè lam dẻo cắn vào ngọt thanh, thơm nhẹ hương gừng được mọi người từ lớn đến bé ai cũng mê. Mua về thưởng thức cùng tách trà lại càng tuyệt vời hơn.
- Bánh rau sắng chùa Hương chú Béo: thương hiệu nổi tiếng làm từ lá rau sắng có màu xanh thẩm. Lá này chỉ mọc trên các dãy núi đá vôi nên người ta thường truyền tai nhau ăn bánh này để cho da trắng má hồng. Đặc sản riêng của chùa Hương khách du lịch rất yêu thích, họ còn mua cả cây mang về trồng ăn dần.
- Bánh củ mài: bạn có thể thấy đi du lịch chùa Hương về trên tay ai cũng xách vài túi bánh củ mài. Đây là món bánh dẻo ngon và thanh mát, được làm từ củ mài do người dân đào ở vùng núi Hương Sơn hiếm có. Bạn có thể mua từ miếng to cắt ra hoặc đã được đóng gói cho tiện.
- Mơ chùa Hương: mơ ở đây khác biệt rất nhiều so với những nơi khác bởi thịt dày, hạt bé và chua dịu nên ai đến đây cũng tìm mua bằng được mang về. Mơ ngâm rượu, ngâm đường làm đồ uống giải khát và thanh nhiệt cho ngày hè cả nhà ai cũng mê.
Một số lưu ý khi đi Chùa Hương tự túc
- Chùa Hương là chốn thiền tịnh, tâm linh nên đến tham quan nhớ ăn mặc lịch sự. Bên cạnh đó muốn tham quan động Hương Tích thì phải đi bằng thuyền qua suối Yến nên mặc quần áo gọn gàng sẽ thuận tiện hơn.
- Tại khu vực đền Trình cũng có nhiều hàng quán bán đồ lễ, nhưng tốt nhất là bạn nên sắm sửa trước ở nhà để tránh bị chặt chém. Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần thành tâm là được.
- Mua đặc sản làm quà nên nhìn kỹ hạn sử dụng, còn mua quà lưu niệm thì nhớ trả giá để tránh mua bị đắt.
- Du lịch chùa Hương lượng khách đổ về rất đông, dễ bị trộm cắp hay móc túi nên bạn bảo quản đồ cá nhân cẩn thận.
- Dọc chùa Hương hay cạnh suối Yến có nhiều nhà hàng, quán bán đồ ăn. Nhưng nếu để chủ động, không bị giá đắt và đảm bảo chất lượng thì bạn nên mang theo đồ ăn, thức uống đi từ nhà.
- Đi chùa Hương thăm thú nhiều nơi với cảnh sông nước, rừng núi, hang động,… Nên bạn cũng cần kiểm tra thời tiết trước khi đi, tránh đến những hôm mưa bão sẽ làm ảnh hưởng đến lịch trình, không tham quan được hết mọi nơi.
- Đi du lịch bảo vệ môi trường, tránh vứt rác bừa bãi.
Gợi ý lịch trình du lịch Chùa Hương 1 ngày
Đến chùa Hương 1 ngày, tùy vào sở thích hay sức khỏe mà bạn có thể chọn những tuyến khác nhau để tham gia. Một số lịch trình gợi ý bạn có thể tham khảo:
- Tuyến Hương Tích: đây là tuyến chính, sau khi gửi xe bạn bắt đầu đi lễ từ Đền Trình để trình diện các thần, sau đó đi thuyền sang viếng Chùa Thiên Trù, lên Động Tiên Sơn, chùa suối Giải Oan, đền Trần Song, Động Hương Tích và cuối cùng về chùa Hinh Bồng.
- Tuyến Thanh Sơn: Chỉ bao gồm đi 2 địa điểm là chùa Thanh Sơn và thăm động Hương Đài.
- Tuyến Tuyết Sơn: bạn sẽ đến các địa điểm gồm chùa Bảo Đài, động Chùa Cá và cuối cùng là động Tuyết Sơn
- Tuyến Long Vân: xuất phát đi chùa Long Vân sau đó đến tham quan động Long Vân và hang Sũng Sàm.
Du lịch chùa Hương dù có đi mỗi năm nhưng đây luôn là hành trình về viếng Phật và tham quan mà ai cũng mong muốn được đến. Với những kinh nghiệm được nêu ra trên đây, mong những chuyến đi của bạn đều được “thuận chèo mát mái” vẹn tròn.